Sinh học 9 Bài 28: Phương pháp nghiên cứu di truyền người

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Những khó khăn trong nghiên cứu di truyền người

- Các hiện tượng di truyền ở người cũng giống ở động vật như là con cái sinh ra giống bố mẹ đồng thời cũng có những chi tiết khác với bố mẹ. Tuy nhiên việc nghiên cứu di truyền ở người gặp nhiều khó khăn hơn, có 2 lí do chính như sau:

  • Người sinh sản muộn và đẻ ít con.
  • Vì lí do xã hội không thể áp dụng các phương pháp lai và gây đột biến.

+ Vì vậy, trong nghiên cứu di truyền người, các phương pháp được sử dụng phổ biến là:

  • Nghiên cứu phả hệ.
  • Nghiên cứu trẻ đồng sinh.

1.2. Các phương pháp nghiên cứu di truyền người

a. Nghiên cứu phả hệ

- Phả hệ là bản ghi chép sự di truyền qua các thế hệ.
- Phương pháp nghiên cứu phả hệ là phương pháp theo dõi sự di truyền của một tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng một dòng họ qua nhiều thế hệ để xác định đặc điểm di truyền của tính trạng đó (tính trạng đó trội hay lặn, do mấy cặp gen quy định, nằm trên cùng 1 NST hay các NST khác nhau, các gen nằm trên NST thường hay NST giới tính...).

+ Ví dụ:

  • Da đen, tóc xoăn, môi dày là tính trạng trội
  • Da trắng, tóc thẳng, môi mỏng là tính trạng lặn.
  • Bạch tạng, câm điếc bẩm sinh do đột biến gen lặn.
  • Máu khó đông, mù màu, teo cơ do gen lặn nằm trên NST giới tính X quy định.

Sơ đồ phả hệ mô tả sự di truyền

Sơ đồ phả hệ mô tả sự di truyền

  • Trong nghiên cứu phả hệ người ta thường quy định một số kí hiệu để mô tả.

Hình 28.1 Một số kí hiệu dùng trong nghiên cứu phả hệ

Hình 28.1 Một số kí hiệu dùng trong nghiên cứu phả hệ

b. Nghiên cứu trẻ đồng sinh

- Trẻ đồng sinh là những đứa trẻ cùng được sinh ra trong một lần sinh.
- Trẻ đồng sinh hay gặp nhất là trẻ sinh đôi, có thể sinh đôi cùng trứng hoặc sinh đôi khác trứng.

  • Trẻ đồng sinh cùng trứng là những đứa trẻ cùng kiểu gen, cùng giới tính.
  • Trẻ đồng sinh khác trứng là những đứa trẻ khác kiểu gen, có thể cùng giới tính hoặc giới tính.

Hình 28.2 Trẻ đồng sinh

Hình 28.2 Trẻ đồng sinh

Hình 28.3 Sơ đồ sự hình thành trẻ đồng sinh  a. Trẻ đồng sinh cùng trứng  b.Trẻ đồng sinh khác trứng

Hình 28.3 Sơ đồ sự hình thành trẻ đồng sinh a. Trẻ đồng sinh cùng trứng b.Trẻ đồng sinh khác trứng

- Ý nghĩa của việc nghiên cứu trẻ đồng sinh:

  • Giúp xác định sự ảnh hưởng của môi trường lên các tính trạng, tính trạng nào do kiểu gen quy định, tính trạng nào chịu ảnh hưởng nhiều từ môi trường. Từ đó đề ra các chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phù hợp.
Previous Post Next Post