1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Khái niệm kĩ thuật gen và công nghệ gen
- Kĩ thuật gen là các thao tác tác động lên ADN để chuyển đoạn ADN mang 1 hoặc 1 cụm gen từ tế bào của loài cho sang tế bào của loài nhận nhờ thể truyền.
- Kĩ thuật gen gồm 3 khâu cơ bản:
- Tách ADN từ NST của tế bào cho và tách ADN làm thể truyền từ vi khuẩn, virut.
- Cắt nối để tạo ADN tái tổ hợp nhờ enzim.
- Chuyển ADN tái tổ hợp vào tế bào nhận và nghiên cứu sự biểu hiện của gen được chuyển.
Quy trình các bước của kĩ thuật gen
- Công nghệ gen là ngành kĩ thuật về quy trình ứng dụng kĩ thuật gen.
1.2. Ứng dụng công nghệ gen
a. Tạo ra các chủng vi sinh vật mới
- Kĩ thuật gen được ứng dụng để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm sinh học cần thiết (axit amin, prôtêin, kháng sinh, hoocmon...) với số lượng lớn và giá thành rẻ.
+ Ví dụ: Dùng E. Coli và nấm men cấy gen mã hoá, sản xuất kháng sinh và hoocmon insulin.
b. Tạo giống cây trồng biến đổi gen
- Bằng kĩ thuật gen, người ta đưa nhiều gen quy định đặc điểm quý như: năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng cao, kháng sâu bệnh .... vào cây trồng.
+ Ví dụ: Cây lúa được chuyển gen quy định tổng hợp bêta carooten (tiền vitamin A) vào tế bào cây lúa, tạo giống lúa giàu vitamin A.
- Ở Việt Nam chuyển gen kháng sâu bệnh, tổng hợp vitamin A... vào 1 số cây lúa, ngô, khoai, cà chua.
c. Tạo động vật biến đổi gen:
- Ứng dụng kĩ thuật gen chuyển gen vào động vật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống con người.
Chuyển gen vào động vật còn rất hạn chế.
1.3. Khái niệm công nghệ sinh học
- Công nghệ sinh học là ngành công nghệ sử dụng tế bào sống và các quá trình sinh học để tạo ra các sản phẩm sinh học cần thiết cho con người.
- Công nghệ sinh học hiện đại gồm 7 lĩnh vực:
- Công nghệ lên men để sản xuất các chế phẩm vi sinh dùng trong chăn nuôi, trồng trọt và bảo quản.
- Công nghệ tế bào động vật và thực vật.
- Công nghệ chuyển nhân và phôi.
- Công nghệ sinh học xử lí môi trường.
- Công nghệ enzim/protein để sản xuất axit amin từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, chế tạo các chất cảm ứng sinh học (biosensor) và thuốc phát hiện độc.
- Công nghệ gen - là ngành công nghệ cao và là ngành quyết định sự thành công của cách mạng sinh học.
- Công nghệ sinh học - y dược.
+ Vai trò của công nghệ sinh học vào từng lĩnh vực:
- Công nghệ sinh học quyết định sự thành công của cuộc cách mạng sinh học.
- Một số sản phẩm của công nghệ sinh học có giá trị cao trên thị trường thế giới.