A. Lý thuyết
I. Cấu tạo
1. Các phần cơ thể
- Cơ thể người được bao bọc bởi một lớp da. Trên da có nhiều lông nhỏ, mọc không đều nhau. Trong da có mạch máu, đầu mút các dây thần kinh và tuyến mồ hôi. Da bảo vệ các cơ quan trong cơ thể tránh được những ảnh hưởng có hại của môi trường ngoài, góp phần giữ nhiệt độ cơ thể không đổi.
- Dưới da là lớp mỡ, dưới lớp mỡ là cơ và xương. Cơ tạo nên hình dạng ngoài cơ thể, xương làm thành cái khung bảo vệ cơ thể và các nội quan.
- Cơ thể người có 3 phần: đầu, thân và tay chân.
Cơ thể người
- Có 2 khoang cơ thể lớn nhất là khoang ngực và khoang bụng. 2 khoang này nằm ở phần thân và ngăn cách nhau bởi cơ hoành.
- Khoang cơ thể chứa các cơ quan nội tạng:
- Khoang ngực chứa: tim, phổi, khí quản, thực quản.
- Khoang bụng chứa: dạ dày, ruột, gan, túi mật, tuy, lách, thận, bóng đái, cơ quan sinh dục.
Các cơ quan ở phần thân của cơ thể người
2. Các hệ cơ quan
- Trong cơ thể có nhiều hệ cơ quan, nhưng chủ yếu là: hệ vận động, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ sinh dục.
+ Hệ vận động:
- Cơ và xương
- Vận động và di chuyển
+ Tiêu hóa:
- Miệng, ống tiêu hóa, tuyến tiêu hóa
- Biến đổi thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể
+ Tuần hoàn:
- Tim và hệ mạch
- Vận chuyển, trao đổi chất dinh dưỡng tới tế bào, mang chất thải CO2 từ tế bào tới cơ quan bài tiết
+ Hô hấp:
- Đường dẫn khí, phổi
- Thực hiện trao đổi khí oxi và khí cacbonic giữa cơ thể và môi trường.
+ Bài tiết:
- Thận, ống dẫn nước tiểu và bóng đái
- Lọc máu tạo nước tiểu
+ Thần kinh:
- Não, tủy, dây TK, hạch TK
- Điều hòa, điều khiển, phối hợp hoạt động của các cơ quan.
II. Sự phối hợp vận động giữa các cơ quan
- Cơ thể là một khối thống nhất.
- Các cơ quan trong cơ thể có một sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đảm bảo tính thống nhất. Sự thống nhất đó được thực hiện nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh (cơ chế thần kinh) và nhờ dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn mang theo các hooc-môn do các tuyến nội tiết tiết ra (cơ chế thể dịch).
- Ví dụ: khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn. Lúc đó, các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, tim đập nhanh và mạnh hơn, mạch máu dãn (hệ tuần hoàn), thở nhanh và sâu (hệ hô hấp), mồ hôi tiết nhiều (hệ bài tiết),…
Sơ đồ mối liên hệ giữa các cơ quan trong cơ thể người
B. Trả Lời Câu Hỏi SGK
1. Giải bài 1 trang 10 SGK Sinh học 8
Cơ thể người gồm mấy phần? Phần thân gồm những cơ quan nào?
Hướng dẫn giải
- Cơ thể người được da bao bọc, da có các sản phẩm như lông, tóc, móng.
- Cơ thể người chia làm 3 phần: đầu, thân và tay chân.
- Khoang ngực và khoang bụng được ngăn cách bởi cơ hoành.
- Khoang ngực chứa tim, phổi.
- Khoang bụng chứa dạ dày, ruột, gan, hệ bài tiết (thận, bóng đái) và cơ quan sinh sản.
2. Giải bài 2 trang 10 SGK Sinh học 8
Bằng một ví dụ, hãy phân tích vai trò của hệ thần kinh trong sự điều hòa hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể.
Hướng dẫn giải
- Ví dụ về vai trò của hệ thần kinh trong điều khiển sự hoạt động của các cơ quan như sau:
- Khi chạy, hệ vận động làm việc với cường độ lớn, lúc đó các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, nhịp tim tăng, mạch máu giãn, thở nhanh và sâu, mồ hôi tiết nhiều…. Điều đó chứng tỏ các hệ cơ quan trong cơ thể có sự phối hợp hoạt động dưới sự điều khiển của hệ thần kinh.