Tên sáng kiến: Một số phương pháp dạy bài mới Toán lớp 1 theo hướng phát huy tính tích cực.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Tên sáng kiến: Một số phương pháp dạy bài mới Toán lớp 1 theo hướng phát huy tính tích cực.
2. Sự cần thiết, mục đích của việc thực hiện sáng kiến (lý do nghiên cứu)
Ở bậc tiểu học, môn Toán có vị trí đặc biệt quan trọng, học Toán học sinh sẽ có cơ sở để tiếp thu và diễn đạt các môn học khác. Nắm vững kiến thức toán và luyện tập thành thạo các kỹ năng tính toán các em sẽ áp dụng vào kỹ năng tính toán trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với môn Toán lớp 1, môn học có vị trí nền tảng, là cái gốc, là điểm xuất phát của cả một bộ môn khoa học. Môn Toán mở đường cho các em đi vào thế giới kì diệu của toán học. Rồi sau này các em lớn lên, nhiều em trở thành nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ, … trở thành những người lao động sáng tạo trên mọi lĩnh vực lao động, đời sống, … nhưng không bao giờ các em quên được những ngày đầu tiên đến trường học đếm và tập viết các số 1, 2, 3,… học các phép tính cộng, trừ, … vì đó là kỉ niệm đẹp nhất của đời người và hơn thế nữa, những con số, những phép tính ấy cần thiết cho suốt cả cuộc đời.
Vì vậy, giáo viên dạy như thế nào để phát huy hết được vai trò của môn học là một vấn đề cần quan tâm. Bản thân dạy lớp 1 nhiều năm tôi luôn trăn trở, tìm tòi làm thế nào để dạy học phát huy được tính tích cực của học sinh, khai thác triệt để nội lực, khả năng trí tuệ của các em để dạy học Toán lớp 1 có hiệu quả, tôi quyết định chọn đề tàì này.
II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN
1. Thuận lợi và Khó khăn
a) Thuận lợi
Trường lớp, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường.
Đa số gia đình quan tâm đến việc học tập của học sinh, mua đủ đồ dùng học tập.
Phần đa là các em đã qua lớp mầm non nên tiếp thu bài tốt.
Đa số các em ở địa bàn thị trấn nên việc đi lại dễ dàng.
b) Khó khăn
Một số gia đình khó khăn cha mẹ phải đi làm xa không quan tâm đến việc học tập của con em mình.
Một số học sinh chưa chus ý học tập và còn chậm tiếp thu bài.
2. Một số phương pháp dạy bài mới Toán lớp 1
Một là, giúp học sinh tự phát hiện vấn đề và tự giới thiệu vấn đề của bài học
Phần bài học thường được nêu thành cùng một loại tình huống có vấn đề. Chẳng hạn, cùng nêu về hiện tượng có một số (một, hai con ong bay ra khỏi chỗ đậu của ba con ong. Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát hình vẽ (tranh, ảnh…) trong Toán 1 hoặc sử dụng đồ dùng thích hợp để học sinh tự tìm ra vấn đề cần giải quyết (chẳng hạn: Có ba con ong đậu trên bông hoa, một con ong bay ra khỏi bông hoa, còn mấy con ong?). Rồi tự học sinh tham gia giải quyết vấn đề (ba con ong bớt một con ong còn hai con ong). Thời gian đầu giáo viên hướng dẫn học sinh nêu và giải quyết vấn đề. Dần dần yêu cầu học sinh tự nêu và giải quyết vấn đề.
Hai là, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới
Có loại bài học, sau khi học sinh đã phát hiện và giải quyết vấn đề, giáo viên phải hình thành kiến thức mới.
Chẳng hạn: Giáo viên phải giới thiệu: Ba con ong bớt một con ong còn hai con ong, ba bớt một còn hai, ta viết 3 - 1 = 2; Đọc là (ba trừ một bằng hai, dấu "-" gọi là "trừ"…).
Có loại bài học giáo viên giúp học sinh tự nêu, tự giải quyết vấn đề, tự xây dựng kiến thức mới (Chẳng hạn: Bài học về phép cộng trong phạm vi 8. Học sinh quan sát trực quan rồi nêu vấn đề: "Có 7 hình vuông xanh, thêm 1 hình vuông đỏ. Hỏi tất cả có mấy hình vuông?" và giải quyết vấn đề 7 + 1 = 8.
Đương nhiên trong cả hai loại bài học trên giáo viên phải giúp học sinh ghi nhớ kiến thức mới (Chẳng hạn các công thức tính). Cho dù học sinh đã học thuộc kiến thức mới thì cũng chỉ là bước đầu chiếm lĩnh được kiến thức mới đó. Phải qua thực hành, vận dụng kiến thức mới đó để giải quyết các vấn đề nêu trong phần bài tập thì mới có thể khẳng định học sinh đã tự chiến lĩnh kiến thức mới đến mức độ nào. Vì vậy sau khi đã thuộc bài mới, học sinh phải làm được các bài tập trong phiếu học.
Ba là, giúp học sinh cách thức phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới
Qua quá trình dạy học toán phải dần dần giúp học sinh cách thức (con đường, phương pháp), phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới. Chẳng hạn, qua các bài học và bài luyện tập về số và phép tính trong phạm vi 10 của Toán 1 có thể giúp học sinh: Từ tình huống có thực trong đời sống nêu được vấn đề cần giải quyết; giải quyết vấn đề sẽ góp phần tìm ra kiến thức mới (số mới hoặc công thức mới) xây dựng rồi ghi nhớ và vận dụng kiến thức mới vào các tình huống khác nhau trong thực hành sẽ chiếm lĩnh được kiến thức mới.
Ví dụ: Khi dạy số 1, 2, 3 thì từ trực quan là tranh vẽ 1 quả cam; 1 con mèo; 2 hình vuông, 2 quả cam; 3 hình tròn, 3 hình tam giác v.v … hình thành các số 1, 2, 3. Từ đó học sinh có thể tìm tòi các đồ vật gần gũi có số lượng 1, 2, 3 như 1 bàn giáo viên, 1 bảng lớp; 2 bạn trong 1 bàn, 3 dãy bàn trong 1 lớp… Từ đó học sinh sẽ ghi nhớ số lượng và ghi nhớ các số chỉ số lượng.
Bốn là, giúp học sinh thiết lập mối quan hệ giữa kiến thức mới và kiến thức cũ đã học
Huy động kiến thức đã học và vốn sống để phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới.
Đặt kiến thức mới trong mối quan hệ với kiến thức đã có.
Ví dụ: Khi dạy phép cộng rồi, thì học phép trừ giáo viên phải cho học sinh thấy được phép trừ là phép tính ngược của phép cộng.
Hay khi dạy: 1 + 2 = 3 và 2 + 1 = 3 thì giáo viên phải cho học sinh nhận xét vị trí của hai số trong phép cộng và kết quả của chúng có gì đặc biệt? Từ đó giáo viên giúp học sinh rút ra kết luận "đổi chỗ hai số trong phép cộng thì kết quả không thay đổi". Ở đây mặc dù chưa nói đến tính chất giao hoán, song giáo viên đã ngầm giới thiệu tính chất giao hoán của phép cộng. Nhưng khi học đến bài phép cộng trong phạm vi 6 ; 5 + 1 = 6 thì học sinh phải dựa vào kiến thức đã học "đổi chỗ hai số…" để tự rút ra:1 + 5 = 6 chứ giáo viên không phải giúp học sinh hình thành tính chất giao hoán nữa.
Năm là, giúp học sinh rèn luyện diễn đạt thông tin bằng lời, bằng kí hiệu
Trong quá trình dạy học Toán phải quan tâm đúng mức đến rèn luyện cho học sinh cách diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, vừa đủ nội dung của một thông tin bằng lời hoặc bằng kí hiệu, sơ đồ. Đây là một khâu khá quan trọng.
Ví dụ: Học sinh nhìn vào kí hiệu xem bài toán yêu cầu gì? Học sinh sẽ trả lời yêu cầu.
Hay khi học phần quan sát tranh để nêu đề toán:
Ở giai đoạn đầu: Học sinh có thể nêu, có hai quả bóng xanh và một quả bóng đỏ. Hỏi có mấy quả bóng? Nhưng ở giai đoạn sau: Học sinh phải nêu: Em có 2 quả bóng xanh, mẹ (bạn…) cho thêm 1 quả bóng đỏ. Hỏi em có tất cả mấy quả bóng?
III. ĐÁNH GIÁ VỀ TÍNH MỚI, TÍNH HIỆU QUẢ VÀ KHẢ THI, PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Tính mới
Trong giờ toán trước đây các em học chưa chủ động, giáo viên giảng và nói nhiều, chưa thành lập được các phép tính và vận dụng kiến thức vào giải quyết các bài tập trong phần luyện tập. Khả năng diễn đạt bằng lời chưa được hay lắm.
Tính mới ở đây dạy và học toán theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh thì học sinh chủ động, được làm việc, tự tìm hiểu vấn đề, được suy nghĩ, được giải quyết vấn đề của bài học, tự thành lập được các phép tính và vận dụng kiến thức vào giải quyết các bài tập trong phần luyện tập tốt. Đồng thời qua giờ học khả năng diễn đạt của các em được quan tâm, chú trọng, được rèn ngay từ cách trả lời, cách nêu đề toán. Đây là một bước đệm quan trọng để các em phát triển ngôn ngữ nói về sau.
Sáng kiến này hoàn toàn mới chưa áp dụng lần nào và không trùng hợp với ai.
2. Tính hiệu quả khả thi.
Sau giờ học tôi nhận thấy việc dạy học Toán 1 theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh thì học sinh chủ động, được làm việc, tự tìm hiểu vấn đề, được suy nghĩ, được giải quyết vấn đề của bài học, tự thành lập được các phép tính và vận dụng kiến thức vào giải quyết các bài tập trong phần luyện tập tốt.
Trong giờ học các em được chủ động kiểm tra bài làm của mình cũng như của bạn để tự kiểm tra, tự tìm ra cái đúng cũng như chưa đúng của bạn, của mình, khi học sinh phát hiện thấy sai các em đã biết tự sửa lại cho đúng, đó chính là một việc làm rất chủ động mà một số năm trước đây học sinh chưa làm được, thường các em phải đợi giáo viên nhắc.
Đồng thời qua giờ học khả năng diễn đạt của các em được quan tâm, chú trọng, được rèn ngay từ cách trả lời, cách nêu đề toán. Đây là một bước đệm quan trọng để các em phát triển ngôn ngữ nói về sau.
Bên cạnh đó học sinh được hoạt động theo khả năng, tất cả các em đều được tham gia vào hoạt động học tập một cách hứng thú. Trong khi đó giáo viên lại nói ít, không giảng giải nhiều, không nói thừa, nói hộ học sinh, giờ học diễn ra nhẹ nhàng, không gò bó áp đặt, kết quả giờ học cao.
* Kết quả đánh giá giữa học kì 2 năm học như sau:
- Môn Toán Hoàn thành tốt 20 em, Hoàn thành 13 em.
- Môn Tiếng Việt Hoàn thành tốt 10 em, Hoàn thành 22 em. Chưa HT 1 em.
- Từ đó kết quả học tập của lớp được nâng lên thể hiện ở bảng số liệu sau:
TSHS | Kết quả học tập | Hình thành và PT năng lực | Hình thành và PT phẩm chất | |||||||||
HTT | HT CHT | Tốt | Đạt | Tốt | Đạt | |||||||
SL | % | SL | % SL % | SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | |
33 | 10 | 30,0 | 22 | 66,6 1 3,0 | 15 | 45,4 | 18 | 54,5 | 16 | 48,4 | 17 | 51,5 |
3. Phạm vi áp dụng
Sáng kiến này tôi áp dụng trong lớp 1A từ đầu năm đến giữa học kì 2 năm học. Được đồng nghiệp đánh giá đạt hiệu quả có thể cho áp dụng rộng rãi trong khối lớp 1. .
IV. KẾT LUẬN
Để dạy tốt môn Toán ở tiểu học nói chung và Toán lớp 1 nói riêng thì việc sử dụng “Một số phương pháp dạy bài mới Toán lớp 1 theo hướng phát huy tính tích cực” là một việc làm cần thiết.
Vì dạy theo hướng này học sinh hoàn toàn chủ động, tự giác, tích cực, sáng tạo, các em tìm ra kiến thức mới, tự giải quyết và chiếm lĩnh kiến thức mới, vận dụng vào thực hành tốt. Hơn nữa nó lại tiết kiệm được thời gian, giáo viên nói ít, học sinh làm việc nhiều có hiệu quả, chất lượng giờ học cao, sự kết hợp giữa giáo viên và học sinh nhịp nhàng, học sinh phát huy được khả năng của mình.
Đây cũng chính là mục đích cuối cùng của dạy Toán 1 và hoàn toàn phù hợp với tâm, sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học và đặc biệt là học sinh lớp 1, phù hợp với trình độ, với mặt bằng chung nhận thức của học sinh. Nhằm nâng cao chất lượng môn Toán lớp 1 nói riêng và chất lượng môn Toán toàn trường nói chung.