Những điều kiện phát triển du lịch Việt Nam

 

1.   ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay đời sống của con người ngày càng cao, họ không những có nhu cầu đầy đủ về vật chất mà còn có nhu cầu được thỏa mãn về tinh thần như vui chơi giải trí và du lịch. Do đó du lịch là một trong những ngành có triển vọng. Với điều kiện kinh tế như hiện nay thì khái niệm “đi du lịch” không chỉ phổ biến của tầng lớp những người có thu nhập cao mà nó dần trở thành một hiện tượng phổ biến toàn xã hội, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam, khách Việt Nam ra nước ngoài và khách du lịch nội địa tăng đáng kể.

Ngành du lịch Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước khác trên thế giới nhưng vai trò của nó thì không thể phủ nhận. Hằng năm, nguồn GDP du lịch mang lại khá lớn đóng góp vào nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, góp phần truyền bá hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới.

Vì vậy, điều kiện phát triển du lịch đã trở thành một đề tài nghiên cứu hấp dẫn, lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Việc nghiên cứu về điều kiện phát triển du lịch của từng nước là một công việc hết sức quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch của mỗi nước. Chính vì thế, tôi đã chọn đề tài “Những điều kiện phát triển du lịch Việt Nam” để nghiên cứu.

2.   MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

2.1 Mục tiêu chung

            Mục đích của đề tài “Những điều kiện phát triển du lịch Việt Nam”  nhằm tìm ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch của đất nước. Từ đó có cái nhìn khái quát hơn về du lịch Việt Nam, chất lượng dịch vụ và những vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch. Đánh giá đúng tình hình phát triển của du lịch Việt Nam, những ưu, nhược điểm còn tồn tại trong việc nâng cao chất lượng phục vụ trong ngành du lịch. Từ việc nghiên cứu rõ ràng, tỉ mỉ, ta sẽ tìm ra một số giải pháp,kiến nghị nhằm phát triển du lịch Việt Nam.

2.2 Mục tiêu cụ thể

            Tìm hiểu về các điều kiện an ninh chính trị và an toàn trong du lịch của Việt Nam. So sánh an ninh của Việt Nam với các quốc gia có nền du lịch phát triển và quốc tế.

            Xem xét các điều kiện kinh tế và các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển du lịch của Việt Nam.

            Tìm hiểu nguyên nhân làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch, các điều kiện về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên giúp cho phát triển du lịch.

            Các thành tựu trong kinh tế, xã hội và truyền thống con người góp phần như thế nào trong quá trình quảng bá và phát triển du lịch.

3.   PHƯƠNG PHÁP, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1             Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu: để có lượng thông tin đầy đủ tôi tiến hành tìm kiếm và thu thập các tài liệu đến vấn đề nghiên cứu, sau đó chọn lọc và tập hợp dữ liệu một cách hệ thống.

Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm: qua việc xem xét những kết quả có trong quá khứ để đưa ra những số liệu chính xác về điều kiện phát triển du lịch.

Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: bằng cách tìm các tài liệu liên quan đến du lịch và phân tích thành các bộ phận để tìm hiểu sâu sắc sau đó tổng hợp những thứ đã phân tích thành một hệ thống lý thuyết đầy đủ.

3.2       Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài bao gồm tất cả các điều kiện liên quan tới sự phát triển du lịch. Những điều kiện chung (điều kiện an ninh chính trị và an toàn xã hội, điều kiện kinh tế, chính sách phát triển du lịch ) và các điều kiện tự thân làm nảy sinh nhu cầu du lịch ( thời gian nhàn rỗi, điều kiện tài chính, trình độ dân trí ), khả năng cung ứng nhu cầu du lịch (điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch thiên nhiên, điều kiện kinh tế và tài nguyên du lịch nhân văn, tình hình và sự kiện đặc biệt, sẵn sàng đón tiếp ) và các biện pháp phát triển du lịch.

4.   TỔNG QUAN VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

4.1 Tổng quan

Với đề tài những điều kiện phát triển du lịch Việt Nam đã có nhiều tác giả nêu lên các khía cạnh khác nhau. Trong cuốn “Du lịch Việt Nam trong hội nhập ASEAN” của TS.Nguyễn Văn Lưu cho biết từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN  (1995), ngành du lịch đã tích cực hội nhập, tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin với các nước. Còn trong cuốn “Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch” tác giả TS.Nguyễn Văn Lưu cũng đã khẳng định được vai trò của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân. Trong hoạt động du lịch quốc tế việc xuất khẩu hàng hóa thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ đã được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu trong suốt chuyến đi của du khách quốc tế đến Việt Nam. Tác giả Trần Thị Hà với đề tài “Điều kiện phát triển du lịch Việt Nam” đã phân tích khá kỹ lưỡng trong công trình nghiên cứu của mình về những điều kiện để phát triển du lịch và nhu cầu của du khách cũng như điều kiện tự nhiên, nhân văn và tài nguyên để phát triển du lịch. Tất cả các tài liệu trên đã nêu những vấn đề cần thiết để phát triển du lịch. Từ đó, tôi tham khảo, tìm hiểu và phát triển lên để bài viết thêm phần xác thực thông qua các điều kiện đó cũng đưa ra giải pháp để phát triển du lịch.

4.2 Nội dung nghiên cứu

4.2.1 Điều kiện an ninh chính trị và an toàn du lịch

a)     Chính trị

So sánh với tình hình chính trị và trong khu vựa toàn cầu hiện nay, Việt Nam là nước có nên an ninh-chính trị an toàn và ổn định. Theo khảo sát toàn cầu về mức độ yên bình, Việt Nam đứng thứ 39 trên tổng số 144 nước, được đánh giá cao về sự thân thiện với người nước ngoài và nguy cơ xảy ra khủng bố thấp.

b)     An ninh trật tự, an toàn xã hội

Du lịch đòi hỏi phải có an ninh đảm bảo để không chỉ giúp du khách có cảm giác an toàn mà còn nhằm chống lại các hành động chống phá của một số người lợi dụng hoạt động du lịch để truyền bá những tư tưởng phản động vào đất nước. Một ví dụ cụ thể: Năm 1993, tại Ba Bể những kẻ chống phá đã lợi dụng những người đi du lịch để truyển bá tư tưởng phản động vào người dân địa phương bằng cách rải truyển đơn, băng đĩa… tại những nơi chúng đi qua.

4.2.2 Điều kiện kinh tế

a) Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm

            Sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch Việt Nam. Dịch vụ ăn uống chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ khách du lịch tiêu dùng. Ngành nông nghiệp cung cấp cho du lịch như: rau củ quả, thịt, cá, trứng, sữa... nói tóm lại là tất cả các thành phần tạo nên một bữa ăn. Một nền nông nhiệp phát triển sẽ cung cấp cho du lịch những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ và sản phẩm đa dạng.

Bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm chế biến thực phẩm cũng cung cấp các sản phẩm cho kinh doanh ăn uống trong du lịch. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp không thể giữ được lâu nếu không qua chế biến. Công nghiệp chế biến đảm bảo cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho dịch vụ ăn uống vào các thời điểm không phải chính vụ của các sản phẩm nông nghiệp. Đảm bảo cho các nhà hàng khách sạn có các món ăn vào cả những thời điểm nhu cầu cao hay những lúc trái vụ, phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách.

b) Công nghiệp nhẹ

Ngành công nghiệp dệt cung cấp cho các xí nghiệp du lịch các loại vải để trang bị phòng khách, các loại khăn trải bàn, ga giường…. Ngành công nghiệp chế biến gỗ trang bị đồ gỗ cho các văn phòng, cơ sở lưu trú. Ngành công nghiệp mỹ nghệ và sành sứ mỗi năm cung cấp hàng trăm ngàn sản phẩm cũng như quà lưu niệm như: tranh, đồ gốm… dành cho du khách. Các ngành công nghiệp nhẹ phát triển đã cung ứng cho ngành du lịch Việt Nam những vật tư, hàng hóa, trang thiết bị chất lượng cao từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ ngành du lịch. Do vậy, muốn phát triển du lịch, các ngành sản xuất có quan hệ mật thiết đến du lịch không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về khối lượng hàng hóa, mà phải đảm bảo cung cấp vật tư hàng hóa có chất lượng cao, đảm bảo thẩm mỹ và chủng loại phong phú đa dạng.

c)      Giao thông vận tải

            Khi nói đến nền kinh tế của đất nước, không thể không nói đến giao thông vận tải. Từ xa xưa, giao thông vận tải đã trở thành một trong những nhân tố chính cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Giao thông vận tải ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch trên hai phương diện: Số lượng và chất lượng. Sự phát triển về số lượng làm cho mạng lưới giao thông thông vươn tới mọi miền trái đất. Chất lượng của phương tiện giao thông ảnh hưởng tới chuyến du lịch ở các mặt sau: tốc độ, an toàn, tiện nghi, giá cả.

d)     Các ngành khác

Như chúng ta đã biết, du lịch là ngành dịch vụ, nhận nhiệm vụ “chuyển tải” sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các ngành kinh tế khác để cung cấp cho du khách nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy điều kiện kiện kinh tế đóng vai trò góp phần cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho du lịch. Ví dụ: Khi khách tới Vũng Tàu không có nghĩa là chỉ tới để nghỉ dưỡng và tắm biển, bên cạnh hoạt động đó du khách còn có cơ hội và mong muốn thưởng thức hải sản. Vậy ngành kinh tế biển (đánh bắt cá) đóng vai trò cung cấp nguồn lợi thủy sản cho các nhà hàng tại Vũng Tàu phục vụ nhu cầu ăn uống và mua về làm quà của du khách. Ngành kinh doanh khách sạn cũng thế, nếu như không có ngành xây dựng, ngành sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, ngành sản xuất đồ dùng thì hoạt động kinh doanh của nó liệu có tồn tại không? Từ những ví dụ trên chúng ta khẳng định điều kiện kinh tế là một trong những nhân tố tiên quyết quyết định sự thành bại trong kinh doanh du lịch.

4.2.3 Chính sách phát triển du lịch

Chính sách phát triển du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc phát triển du lịch .Nó có thể kìm hãm nếu đường lối sai với thực tế. Chính sách phát triển du lịch được ở hai mặt: Thứ nhất là chính sách chung của Tổ chức du lịch thế giới đối với các nước thành viên; thứ hai là chính sách của cơ quan quyền lực tại địa phương, quốc gia đó. Mặt thứ hai có ý nghĩa quan trọng hơn cả vì nó huy động được sức người, căn cứ vào khả năng thực tế tại mỗi vùng, quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp.

4.2.4 Điều kiện nảy sinh nhu cầu đi du lịch

a)  Thời gian rỗi

Thời gian rỗi là thời gian mà mỗi người được tự do sử dụng nó để tham gia các hoạt động hoặc nghỉ ngơi, giải trí...theo đúng ý thích của người đó. Theo nghĩa đó, thời gian nhàn rỗi còn được gọi là thời gian tự do chi phối. Thời gian rỗi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển du lịch. Công chúng chỉ bắt đầu đi du lịch khi họ được hưởng nhiều ngày nghỉ lễ và những ngày nghỉ ăn lương.

b) Khả năng tài chính

Chỉ có thời gian rỗi chưa đủ điểu kiện để thực hiện được chuyến đi du lịch. Một điều khác rất cơ bản cần được thoả mãn nữa là người đó phải có thu nhập cao. Ngày nay, kinh tế ngày càng phát triển, năng suất lao động ngày càng cao và mức sống của con người ngày càng được cải thiện, do vậy họ có khả năng thanh toán cho nhu cầu đi du lịch trong và ngoài nước.

Như vậy thu nhập của người dân là một vấn đề quan trọng để du khách có một chuyến đi du lịch thật vui vẻ và có nhiều thú vị.

c)      Trình độ dân trí

Trình độ văn hoá cao tạo điều kiên cho việc phát triển du lịch. Phần lớn những người tham gia vào cuộc hành trình du lịch là những người có trình độ văn hoá nhất định, nhất là những người đi du lịch nước ngoài. Bởi vì họ có sở thích (nhu cầu) đối với việc tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc hay nói đúng hơn tài nguyên, điểm du lịch tác động đến họ theo một quá trình: thông tin , tiếp xúc, nhận thức, đánh giá. Phải có trình độ văn hoá thì mới hiểu hết giá trị của chuyến tham quan du lịch .

4.2.5 Điều kiện du lịch tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a) Vị trí địa lý

Trong các nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và điều kiện tự nhiên ở Việt Nam hiện nay, phải nói đến điều kiện vị trí địa lý. Đây cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển không nhỏ của du lịch.

Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho du lịch. Từ rất lâu. Việt Nam đã bị các nước dòm ngó vì địa thế “cửa ngõ ba châu” của mình. Vị trí địa lý này rất thuận lợi cho việc đi lại giao lưu văn hóa, phát triển du lịch quốc tế.

b) Địa hình

Địa hình là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cảnh và góp phần tạo nên sự đa dạng của phong cảnh ở nơi đó. Đối với du lịch, địa hình càng đa dạng, tương phản và độc đáo càng có sức hấp dẫn du khách. Khách du lịch thường ưa thích những nơi nhiều đồi núi, mà địa hình nước ta có đến ¾ diện tích là đồi núi. Trong các kiểu địa hình, kiểu địa hình Karst (núi và hang động) và địa hình bờ nước là những tài nguyên du lịch rất có giá trị, đối với nhiều người, địa hình đồng bằng thường không hấp dẫn khách du lịch vì tính đơn điệu của nó. Ngành du lịch thế giới đã đưa vào khai thác hàng ngàn hang động, thu hút khoảng 3% tổng số du khách toàn cầu. Ở Việt Nam, địa hình đá vôi phân bố rộng khắp từ vĩ tuyến 16 trở lên với nhiều hệ thống hang động có giá trị như: Phong Nha, Bích Động, Hương Tích…

c) Khí hậu

Việt Nam nằm ở vị trí cận nhiệt đới, có khí hậu gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trong bình hàng năm từ  220C – 270C, hàng năm có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1500-2000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%, có khoảng 1500-2000 giờ nắng trong năm, nhiệt độ bức xạ trung bình năm là 100kcal/ cm2. Có đủ bốn mùa: mùa xuận ấm áp, mùa hè nóng, mùa thu thời tiết dịu dàng, mùa đông thì gió rét. Chính vì thế mà Việt Nam chưa phải là một điểm đến lý tưởng nhất của du khách quốc tế.

d) Thủy văn

Nước là một yếu tố không thể thiếu đối với cuộc sống con người. Trong tài nguyên nước, các nguồn nước khoáng và suối nước nóng là tiền đề không thể thiếu để phát triển du lịch chữa bệnh. Theo các nhà địa chất thủy văn ở Việt Nam có trên 400 điểm nước khoáng có giá trị như Kim Bôi, Quang Hanh, Hội Vân…

e) Thế giới động, thực vật

Việt Nam là một trong 25 nước có giá trị sinh học thuộc loại cao nhất thế giới nhờ có hệ thực vật phong phú, đa dạng. Thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao. Quần thể động vật ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loại thú quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ của thế giới

4.2.6 Điều kiện kinh tế xã hội và tài nguyên du lịch nhân văn

a) Tài nguyên du lịch nhân văn

Tài nguyên du lịch nhân văn là tất cả những gì do xã hội cộng đồng tạo ra như các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình đương đại, các lễ hội, phong tục, tập quán… có sức hấp dẫn du khách cũng như các thành tố khác được đưa vào phục vụ phát triển du lịch.

b) Các thành tựu kinh tế xã hội

Các thành tựu về kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến xem như hội chợ triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm… Ở đó thấy được kết quả của công việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thông tin.

c) Một số tình hình và sự kiện đặc biệt

Các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng có một số tình hình và sự kiện đặc biệt để thu hút khách du lịch và là điều kiện đặc trưng để phát triển du lịch. Đó là các hội nghị, đại hội, các cuộc tọa đàm dân tộc hoặc quốc tế, các cuộc thi đấu thể thao… Các hình thức này tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đóng vai trò có ích trong sự phát triển du lịch.

d) Sẵn sàng đón tiếp du khách

Sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch thể hiện ở ba nhóm điều kiện chính: các điều kiện về tổ chức, về kĩ thuật và điều kiện kinh tế.

4.2.7 Giải pháp cơ bản phát triển du lịch ở Việt Nam

a)     Giải pháp kinh tế

Quy hoạch du lịch là một hoạt động cơ bản đối với tất cả các khu vực nơi đến du lịch, đặc biệt trong môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi như hiện nay. Mặc dù, một số nơi đến du lịch đã thực sự phát triển mà không cần có một sự quy hoạch nào, nhưng những nơi này cuối cùng cũng phải chịu những hậu quả nghiêm trọng vì đã không cân nhắc thận trọng sự ảnh hưởng của các tình huống trong tương lai.

b)     Giải pháp về sắp xếp lại hệ thống tổ chức sản xuất  kinh doanh du lịch

Đổi mới phương pháp quản lý, chú trong hiệu quả nhiều mặt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch và khách du lịch theo pháp luật, xây dựng và áp dụng một số chính sách nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là năng lực tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khả năng cạnh tranh cao khi nước ta gia nhập WTO, ban hành các quy định để điều chỉnh hoạt động của các loại hình du lịch mới, các quan hệ phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.

c)      Giải pháp về thị trường

Đồng thời với các giải pháp phát huy nội lực, cần coi trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển nhanh du lịch Việt Nam, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với các nước, các cá nhân và các tổ chức WTO, PATA, ASEAN, ASEANTA, EU,… để tranh thủ kinh nghiệm, vốn và nguồn khách góp phần đưa du lịch Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp và hội nhập với trình độ phát triển chung của du lịch khu vực và thế giới.

d)     Giải pháp về nguồn lao động

Yếu tố con người tác động rất lớn đến sự phát triển của các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Để phát triển du lịch ta cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch có trình độ và kỹ thuật nghiệp vụ, phẩm chất vững vàng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập du lịch khu vực và quốc tế.

e)      Giải pháp về khoa học công nghệ

Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ là giải pháp quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi hàm lượng khoa học và công nghệ trong mỗi sản phẩm xã hội ngày càng cao, Việt Nam đang bước vào phát triển ngành kinh tế tri thức. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học sẽ là cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển ngành du lịch, hoạch định các chiến lược thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, cho việc đề suất các chính sách phù hợp và cho công ty quản lý. Do vậy, ta cần đẩy mạnh nghiêm cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong du lịch.

f)   Giải pháp về môi trường

Môi trường không chỉ tác dụng đến du lịch mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt cuộc sống của con người. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay, Đảng và nhà nước đã đưa ra những biện pháp để tuyên truyền và kêu gọi người dân bảo vệ môi trường- môi trường sống của chúng ta, và đưa ra những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Việt Nam cũng đã có những kế hoạch phát triển du lịch để vừa khai thác được tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo vệ được môi trường.

g) Giải pháp tài chính

Giải pháp về đầu tư

Đầu tư du lịch là đầu tư phát triển, nhằm tăng cơ sở vật chất kỹ thuât cho một ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy cần tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư và phát triển du lịch với những chính sách ưu đãi, hướng đầu tư vào những điểm còn hạn chế của du lịch Việt Nam và hỗ trợ các hướng phát triển ưu tiên trong việc xây dựng các khu, tuyến điểm du lịch trong việc tôn tạo cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, văn hóa,… Đồng thời đầu tư để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất tạo sự thuận lợi trong đi lại và nghỉ ngơi cho du khách khắc phục tình trạng thiếu xe tốt, thiếu những khách sạn đạt tiêu chuẩn…

Giải pháp về tín dụng

Du lịch Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, để khắc phục và phát triển cần đòi hỏi phải có một số vốn lớn. Nhà nước cần đưa ra những ưu đãi trong tín dụng để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có điều kiện vay vốn với lãi suất thấp. Đồng thời cải tiến các thủ tục vay trả tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Mặt khác với sự tham gia của tín dụng thông qua dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã làm giảm chi phí lưu thông và an toàn trong thanh toán.

Giải pháp về thuế

Việt Nam cần có những ưu tiên thuế nhập khẩu với thuế suất bằng thuế nhập tư liệu sản xuất đối với trang thiết bị khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch, vật tư phục vụ du lịch mà trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa cơ sở du lịch theo nhu cầu du khách, ưu tiên, miễn giảm, cho chậm nộp thuế, giảm tiền thuế đất, lãi suất ưu tiên vốn vay đầu tư đối với các dự án ưu tiên và tại các vùng trọng điểm phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia, có chế độ hợp lý vế thuế, về giá in, nước trong kinh doanh khách sạn, rà soát điều chỉnh phương pháp tính thuế, các loại phí, lệ phí, các hình thức vé liên quan đến du lịch, áp dụng thống nhất chính sách một giá trong cả nước. Hoạt động du lịch là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, do đó cho phép kinh doanh du lịch quốc tế được hưởng các chế độ ưu đãi khuyến khích xuất khẩu.

5.   KẾT QUẢ MONG ĐỢI, KẾT LUẬN

5.1             Kết quả mong đợi

Tìm ra giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam, nhằm phát huy các thế mạnh của ngành du lịch. Một mặt quảng bá được hình ảnh và con người Việt Nam, giúp cho bạn bè trên thế giới quan tâm và muốn đền tham quan Việt Nam nhiều hơn. Mặt khác củng cố vị thế của ngành du lịch trong nên kinh tế của đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế. Và khai thác hết tiềm năng vốn có của đất nước.

5.2       Kết Luận

Du lịch chỉ có thể phát sinh và phát triển trong những điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi nhất định. Trong các điều kiện đó có các điều kiện trực tiếp tác động đến việc hình thành nhu cầu du lịch và tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch, bên cạnh đó có những điều kiện mang tính phổ biến nằm trong các mặt của đời sống xã hội và cũng có những điều kiện gắn liền với đặc điểm của từng khu vực địa lý. Tuy nhiên, các điều kiện này có quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau tạo thành môi trường cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Phát triển du lịch kéo theo sự phát triển của các ngành khác và ngược lại. Nhờ đó nền kinh tế nước ta mới có thể phát triển nhanh chóng, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới đứa đất nước trở thành một nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu.

6.   PHÂN PHỐI VÀ PHỔ BIẾN KẾT QUẢ

Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho các nhà chính sách vạch ra các hướng đi và định hình được hình thái của ngành du lịch Việt Nam, từ đo nâng tầm ngành du lịch Việt Nam trở thành nên công nghiệp không khói đem lại nhiều lợi ích và thu nhập cho đất nước. Ngoài ra, còn giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ ngành du lịch để biết chia nguồn vốn đầu tư và đầu tư đúng chỗ.

7.   TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN NGHIÊN CỨU

Báo cáo này sẽ mất từ 2-3 tháng để hoàn thành.

Tháng đầu tiên tìm ra vấn đề và thực hiện viết đề cương phù hợp và có tính khả thi, giúp cho giảng viên hướng dẫn hiểu rõ hơn về đề tài mình muốn làm.

Mất khoảng 30 đến 45 ngày tìm hiểu các đề tài nghiên cứu liên quan, các chính sách hiện có và tổng thể thực trạng ngành du lịch Việt Nam và Quốc Tế.

Mất thêm 10-15 ngày chỉnh sửa và xác định là đề tài sẽ báo cáo trước hội đồng hay bảo vệ.

8.   NGÂN SÁCH NGHIÊN CỨU

Đề tài do sinh viên tự thực hiện để xét tốt nghiện nên mọi chi phí của quá trình nghiên cứu là tự cung tự cấp không có nhà tài trợ.

Previous Post Next Post